60
năm qua, đồng hành trong đội hình của nền giáo dục cách mạng ở tỉnh nhà, lần dở
những tư liệu, gặp gỡ nhiều nhân chứng, ngẫm nghĩ những bước thăng trầm, phác
thảo những chặng đường bi tráng, chúng ta thấy bồi hồi xúc động.
BỐN THỜI KỲ PHÁT TRIỂN
Thời kỳ thứ nhất
Năm 1949 là năm khởi thuỷ. Khi một số
đồn thực dân Pháp ở Phú Hoà, Mỹ Đức rút, vùng tự do được mở rộng, đồng thời
cũng hình thành thế giằng co quyết liệt ở vùng địch hậu, Ty giáo dục Liên khu 4
đã quyết định thành lập trường TH Hoàng Hoa Thám ở xã kháng chiến cùng tên, trước
do thầy giáo lão thành Mai Xuân Lịnh sau là thầy Nguyễn Xuân Bàng làm hiệu
trưởng. Gọi là trường nhưng không có khuôn viên, không có phòng học. Sách giáo
khoa, tài liệu giảng dạy, chủ yếu là sự sưu tầm biên soạn. Học sinh từ Vĩnh
Linh ra, Quảng Ninh lên, từ vùng giữa Lệ Thuỷ đến không quản đường sá xa xôi,
đò giang cách trở , chấp nhận khó khăn, thiếu thốn, lớp học trong nhà dân, ăn ở
cùng nhân dân, miệt mài đèn sách để sau này trở thành những người có ích cho
kháng chiến, cho cách mạng. 252 học sinh của trường đã trưởng thành, mà ước mơ
của họ được ươm lên từ xóm nghèo Lộc Xá. Đến năm 1955, vai trò lịch sử của
trường, kết thúc. Đất nước giải phóng, trường phân thân, làm nồng cốt cho các
trường TH mới hình thành ở trung tâm Lệ Thuỷ, Quảng Ninh.
Thời kỳ thứ 2: 1979 – 1981
Tổ quốc thống nhất, ngành GD có thêm
nhiệm vụ mới. Loại hình Vừa học – Vừa làm ở bậc trung học được thực nghiệm.
Tỉnh Bình Trị Thiên hồi ấy, cùng lúc có 4 trường mới, trong đó có trường PTTH –
VHVL Lệ Ninh ( địa bàn xưa của trường TH Hoàng Hoa Thám ) do thầy giáo Hoàng
Tôn làm hiệu trưởng. Chương trình học không mới, nhưng chương trình Làm thì rất
lạ. Trường được xem như một đơn vị sản xuất trong doanh nghiệp. Học sinh ăn bếp
tập thể, ở nhà nội trú. Tuần 5 buổi lao động. Trồng cói ở Hoa Thuỷ. Cấy lúa ở
đội 3. Chăm sóc cao su ở Phú Cường. Hết việc thì vào rừng lấy củi, lên đồi nhặt
sắt vụn. Bàn tay thư sinh cầm bút, thành bàn tay sạn chai cầm cuốc, xẽ đồi
hoang thành hồ nuôi cá. Địa điểm trường ở một miền đầy cỏ dại và sim mua. Sân
trường gồ gề đá sỏi. Phòng học mái tranh vách đất, gió lạnh mùa đông, nóng bức
mùa hè. Ở hoàn cảnh như vậy, thầy và trò chấp nhận thử thách, cố gắng vượt lên
để có 1.852 em tốt nghiệp, mang kỷ niệm buồn vui của mái trường đến những miền
xa.
Thời kỳ thứ 3: 1991 – 1999
Trong tiến trình phát triển, giáo dục
có một thời điểm khủng hoảng: Học sinh bỏ học, thầy giáo bỏ nghề. Cũng như
nhiều trường khác, Lệ Ninh chưa đủ sức tiếp nhận ngọn gió đổi mới. Từ quy mô 12
lớp, chỉ còn 5 lớp. Trường đứng trước nguy cơ giải thể. UBND tỉnh Quảng Bình đã
sáng suốt thành lập trường PT cấp 2- 3 Lệ Ninh và bổ nhiệm thầy Võ Hữu Tiến làm
hiệu trưởng. Nông trường đã đặt gánh nặng, xây dựng CSVC lên vai mình, chuyển
trường về một địa điểm mới. Sức sống hồi sinh được nhân lên. Quy mô tăng nhanh
chóng. Lệ Ninh là một trong những trường đầu tiên của tỉnh Quảng Bình dương cao
ngọn cờ kỷ cương, chọn nó làm khâu đột phá để tập hợp đội ngũ, kiến tạo khuôn
viên, nâng cao chất lượng. Từ đây Lệ Ninh liên tục là trường tiên tiến xuất sắc
của tỉnh. Trong 9 năm, đã có 1.319 học sinh ra trường.
Thời kỳ thứ 4: Từ năm 1999 đến nay
Trước sự phát triển mau lẹ của giáo
dục, mô hình cấp 2-3, tự nó không thích ứng. Trường mới được tái lập, tiếp tục
mạch nguồn của nữa thế kỷ trước, mang tên người sỹ phu yêu nước, chủ soái của
phong trào nông dân khởi nghĩa Yên Thế. Trường mới và vị thế cũng mới, để đến
hôm nay có 2.924 em từ trường học ra với trường đời. Kiên trì xây dựng môi
trường giáo dục theo hướng xã hội hoá đã giúp trường có bước chuyển về chất.
Năm năm qua kể từ lần kỷ niệm trước, trường tiếp tục ổn định và phát triển. Tỷ
lệ bỏ học hang năm dưới 0,3%, học sinh xếp loại giỏi 2,3%, loại khá 28%. Thi
vào đại học năm 2007 – 2008 đạt 42%. Thi học sinh giỏi kỳ I năm học 2008 – 2009
có 19 giải cá nhân, 3 giải đồng đội. 15 năm liên tục đạt danh hiệu tiên tiến và
tiên tiến xuất sắc. Trường là đơn vị thứ 3 của tỉnh Quảng Bình được công nhận
là trường đạt chuẩn quốc gia bậc THPT vào tháng 8 năm 2006. Trong phong trào
thi đua của khối trực thuộc trường được xếp là một trong 8 trường tốp đầu. Ở
một địa bàn miền núi, xa trung tâm, thành tích của Hoàng Hoa Thám được đồng
nghiệp xem như là huyền thoại.
Bốn thời kỳ, bốn địa điểm, bốn loại
hình, bốn lần đổi tên, nhưng đóng góp của nhà trường cho xã hội là nhất quán và
ngày càng nhiều hơn lên.
BA ĐÓNG GÓP
1.Học sinh của trường đã góp phần nâng
cao mặt bằng dân trí ở một vùng quê.
Miệt đất bán sơn địa Phú Thuỷ, Sơn
Thuỷ, Hoa Thuỷ, thị trấn Lệ Ninh giàu tiềm năng, nhưng từ bao đời nay, ngủ im
lìm trong nghèo nàn lạc hậu, giờ đã được con người đánh thức. Trong số 6.447 học
sinh đã tốt nghiệp, có 1.353 học sinh ( gần 21 % ) do nhiều hoàn cảnh khác
nhau, mà ra khỏi cổng trường là rẽ ngay vào cổng làng, gieo ước mơ vào đất,
chung thuỷ với quê nhà. Bàn tay cần cù cùng với tri thức tiếp thu được trên ghế
trường, đã được những nam thanh, nữ tú ấy đem về ứng dụng sau luỹ tre làng.
Thôn Vinh Quang, muốn cấy cây lúa đứng, phải ngấm mình trong nước buốt, giờ đã
thành cánh đồng gieo thẳng. Làng Xuân Hoà, mùa vàng lan tận chân đê Hạc Hải.
Ninh Phước Thượng, đồng đất khô cằn, cây lúa vụ 10 khẳng khiu như sợi chỉ, nay
mỗi năm có 2 vụ thu bội. Anh Nguyễn Văn Dần, người học sinh giỏi năm xưa, thành
lão nông tri điền, danh tiếng toả rạng làng trên xóm dưới. Nguyễn Thế Thanh,
Nguyễn Hữu Tiệp và nhiều em khác nữa, mỗi kỳ thu 10 – 13 tấn lúa, điều mà những
địa chủ ngày trước mơ cũng có được. Nghề dịch vụ được mở rộng Nguyễn Huệ, Ngọc Phương, Thu Hà….đang là những
thương nhân, có doanh thu không kém thị thành. Hiện tượng Cao Thị Hảo, Nguyễn Tư
Tâm trong tay có sở hữu hàng chục héc ta đất, không còn hiếm. Một thời khu dân
cư, chỉ có bần nông, cố nông, nay đã có thêm thành phần kinh tế tư bản tư nhân.
Đó là những vị Giám đốc trẻ măng, những chiếc xe con của họ, làm xôn xao đường
làng, ngõ xóm, làm bừng tỉnh một vùng quê yên tỉnh như biểu tượng của nông thôn
thời kỳ mở cửa. Có thể nói một bộ phận học sinh thành đạt ngay trên quê nhà,
góp phần làm cho vùng đất xưa giàu có dần lên, nên thơ dần lên
2. Trường đã đào luyện được nhiều thế hệ
học sinh có tài, có tâm
Số học sinh cũ của trường thoát ly quê
hương là 5.094 người. Khi đất nước chưa bình yên, một lực lượng đã nhập ngũ.
Bàn tay cầm bút thành bàn tay cầm súng dạn dày chiến trận. Nhiều người trong số
họ thành sỹ quan cao cấp quân đội nhân dân Việt Nam như Nguyễn Kim Khuê, Nguyễn
Mụng, Võ Văn Năng… một bộ phận tiếp tục học lên thành cử nhân, thạc sỹ, có 7
người học vị tiến sỹ như anh Nguyễn Thế Thôn, anh Lê Tùng Châu, chị Nguyễn Thị
Ánh Tuyết, anh Võ Như Hồng, Hà Văn Hành…họ đã để lại nhiều công trình khoa học
có giá trị, trong đó có công trình được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh. Dù cương
vị công tác nào họ đều là những người mẫn cán. Nhiều người ở trong bộ máy công
quyền từ cấp huyện đến TW như anh Nguyễn Duy Bản, anh Nguyễn Thế Hoàn, anh Trần
Phương. Ở các chức danh liên quan đến quyền lực và tiền bạc nhưng trong khói
lửa chiến tranh và trong sóng gió thị trường, không ai gục ngã. Không ít học
sinh của trường tiếp tục thiên thức là nhà giáo: tiến sỹ Nguyễn Văn Hiền ở đại
học Bách khoa, tiến sỹ Võ Đức Tôn ĐHQG Hà Nội, thầy giáo Hoàng Tôn, Dương Viết
Khớ, gắn bó với bậc học phổ thông. Thầy giáo Võ Quang Thuyết, Nguyễn Thái Thuỷ,
Nguyễn Thị Toan, Nguyễn Chiến Thắng… về nhận công tác tại trường cũ Thầy giáo
Thái Hoàng, thầy giáo Bùi Đình Sơn được phong tặng nhà giáo ưu tú. Khi nhà nước
khuyến khích làm giàu chính đáng, nhiều thế hệ doanh nhân ra đời. Em Nguyễn Thị
Thanh Bình thủ khoa trường Y Huế. Em Hoàng Quang Tuân đạt học sinh giỏi quốc
gia. Em Nguyễn Thị Lê Minh, huy chương tại HKPĐ toàn quốc…Rõ ràng nhờ tài năng
và may mắn, lớp lớp học sinh Hoàng Hoa Thám đã thành danh. Dù ở phương nào của
Tổ quốc, trong sâu thẳm trái tim của họ, Hoàng Hoa Thám là chiếc nôi giúp họ
trưởng thành.
3.Xây dựng được những thế hệ giáo viên
có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và năng lực sư phạm.
Hội đồng sư phạm là môi trường đào
luyện giáo viên. Đó là một tập thể gắn bó với trường, với nghề và trưởng thành
lên sau mỗi giờ lên lớp, sau một năm công tác. Thầy Nguyễn Vân Duẩn, Châu Ngọc
Ánh, Hà Văn Trung, Dương Hoài Phương, từ lò Hoàng Hoa Thám đã dể dàng tiến bộ
và trưởng thành ở đơn vị mới. Nhiều giáo viên đã hiến trọn tuổi thanh xuân của
mình cho mái trường nghèo như cô Trương Thị Duyên, Lê Thị Hoài Thu, thầy Võ
Thanh Đạt, Trần Phu cùng với biết bao thầy cô khác. Hôm nay, trường có 59 CBGV,NV
đang âm thầm công việc trồng người. Tất cả đều đã đạt chuẩn, trong số đó đã có
21 người là giáo viên giỏi cấp cơ sở. Và như vậy, trong suốt mấy chục năm qua
đã có 183 CBGV đã từng chung thuỷ với bảng đen, phấn trắng, đồi khuya, xóm
vắng, trường làng, giờ thì nhiều người đã nghỉ hưu, nhiều người đã điều chuyển.
Dẫu đến nơi phồn hoa và yên vị công tác, họ vẫn khôn nguôi nhớ về trường xưa,
lớp cũ, nơi sáng chiều Cẩm Ly, bếp củi Liên Cơ đêm lạnh, rau má Truông lái và
sắn đắng Đồi Chè. Khó khăn trăm bề, thiếu thốn ngàn thứ, nhưng họ đã sống hết
mình, cống hiến hết mình. Chính họ đã lặng lẽ phác thảo nên chân dung trường
Hoàng Hoa Thám và lan toả như lan toả một thương hiệu giáo dục tận nhiều miền
quê.
Những đóng góp trên, đối với nhiều
trường có thể không lớn, nhưng đối với Hoàng Hoa Thám là vô giá. Nó sẽ trở
thành những bài học truyền thống cho những thế hệ tiếp nối, kế thừa và phát
huy.
BỐN BÀI HỌC TRUYỀN THỐNG
Bài học truyền thống thứ nhất: Trung
thành với Đảng
Khi cuộc kháng chiến đang vào hồi
quyết liệt, cả dân tộc đang dồn sức chiến trường trong một thế trận trường kỳ,
Đảng vẫn có tầm nhìn xa trông rộng mở mặt trận giáo dục mà trường TH Hoàng Hoa
Thám là một quyết định sáng suốt và kịp thời. Thầy và trò tập hợp thành lực
lượng xung kích, đảm nhận thêm nhiều công việc. Đến từng làng dựng cổng chào,
lên khẩu hiệu. Hình ảnh của câu khẩu hiệu lớn, kẻ bằng vôi, dài hàng chục mét
dọc thân đường tàu, thời đó cắm vào mắt kẻ thù một thách thức. Những người học
sinh, về tận Mai Thuỷ, Tân Ninh trong đội quân tính và thu thuế nông nghiệp cho
Nhà nước. Kỷ niệm nhất là nhưng đêm văn nghệ dã chiến, hừng hực lửa trại, cho
dù kẻ thù ở An Lạc chí cách một tầm sung. Nếu như trong kháng chiến người học
sinh thành người chiến sỹ thì khi đất nước thanh bình người học sinh có lúc
thành người công nhân thực thụ ở nông trường quốc doanh Lệ Ninh. Bàn tay học
trò nhuốm bùn Hoa Thuỷ, nhuốm bụi Phú Cường, san đồi trồng cà phê, mở núi đắp
hò nuôi cá. Yêu trường nghĩa là yêu Đảng, trong những năm tháng đầy khó khăn,
không một giáo viên của trường bỏ nghề. Lịch sử giáo dục Quảng Bình không có
trường nào như trường Hoàng Hoa Thám, bốn thời kỳ là bốn loại hình. Dù mới lạ
và đầy thử thách trường cũng chấp nhận để từ thực tiễn của một trường nhỏ, giúp
các cấp uỷ Đảng rút ra bài học lớn về hệ thống GDQD hoàn chỉnh và phù hợp như
hiện nay.
Bài học truyền thống thứ 2: Trưởng thành
trong lòng dân
Một thời cả một vùng rộng lớn từ phía
nam Quảng Bình đến Vĩnh Linh mới có trường TH này. Ăn ở của thầy và trò đều dựa
vào dân. Gia đình cụ Trần Quê, cụ Trương Giác, cụ Phạm Lựu và bao nhiêu gia
đình khác nữa ở thôn nghèo Trung Tính, Lộc Xá, Hoàng Viễn đã cưu mang trường.
Nhường nhà cho trò học, nhường giường cho trò ngủ, ơn chở che, đùm bọc đó, cứ
làm vương nước mắt của bao thế hệ học trò. Nắm lá sắn non thay rau chat đắng từ
Lộc Xá, từ Truông Lái vẫn ngọt đến tận bây giờ. Khi trường VH-VL như trôi giữa đôi bờ cơ chế cũ và mới. Nguy
cơ không tồn tại. Nông trường Lệ Ninh đã chuyển địa điểm và đầu tư 960 triệu
đồng để xây trường mới. Có hay, nông trường còn nghèo, những người công nhân ở
đội 2, Quyết Tiến, phải dậy âm thầm từ 4 giờ sáng trong rét rừng và muỗi núi để
chắt chiu từng giọt mũ cao su, mới thấy tấm lòng của nông trường sâu tình nặng
nghĩa biết nhường nào.
Bây giờ trường hạnh phúc có một môi trường
giáo dục lành mạnh. Sự nghiệp xã hội hoá giáo dục trên địa bàn đã thành nền
tảng vững chắc, để từ đó, trường xây nên lâu đài truyền thống. Lực lượng nồng
cốt là các bậc phụ huynh. Từ thôn Phú Hoà xa xôi đến làng Xuân Hoà cách trở,
nhiều gia đình cơm chưa no, nhà chưa kín đã nhiệt tình đóng góp từng đồng bạc
để Hội phụ huynh trong 5 năm trở lại đây đầu tư trên 1.200 triệu đồng, cùng Nhà
nước kiến tạo khuôn viên khang trang,
tươi đẹp.
Một ngày không xa, sân trường sẽ có
tượng đài để ghi tạc tấm lòng vàng của nhân dân Phú, Sơn, Hoa, thị trấn. Trong
hơn nữa thế kỷ qua, nếu như trường có được thành tích thì công lao đó thuộc về
nhân dân trên địa bàn.
Bài học truyền thống thứ 3: Dạy tốt, học
tốt
Đặc điểm riêng của trường là xa tỉnh
lỵ, huyện lỵ, địa phương dẫu đã đổi thay song vẫn còn nghèo. Trong một tình
cảnh như thế, tâm lý rất dể an phận thủ thường. Trường đã được khen về an ninh
trật tự học đường, về kỷ cương, về xây dựng cảnh quan. Trường quyết tâm được
khen về chất lượng dạy và học. Phấn đấu để không thua kém các điển hình tiên
tiến. Muốn có trò giỏi phải có thầy giỏi. Giáo viên của trường được đào tạo
chính quy và đạt chuẩn. Trường đã có một lực lượng giáo viên đầu đàn. Tỷ lệ
giáo viên giỏi năm 2007- 2008 là 36 % nhiều đồng chí liên tục có học sinh giỏi
cấp tỉnh: Đ/c Trường, đ/c Duyên, đ/c Thuỷ, đ/c Thu. Dù không hình thành lớp
chọn, lớp đ/c Đạt 38/48, lớp đ/c Tậu có 31/52 em đỗ đại học. Trong 14 năm lại
đây, tỷ lệ tốt nghiệp của trường vào loại cao của tỉnh . Nhiều học sinh đã có
nghiã cử cao đẹp như Lê Công Nam
quên mình cứu bạn được Nhà nước công nhận Liệt sỹ. Có học sinh đã nhận được
giải thưởng Hồ Chí Minh như Đại tá Nguyễn Kim Khuê. Có em thi đỗ thủ khoa hai
trường đại học như Nguyễn Ánh Dương. Lý Thị Thu Hoài, Trần Đình Nhân hai kỳ thi
học sinh giỏi tỉnh Quảng Bình, mỗi em đạt 4 giải cao, trở thành những bông hoa
đẹp trong vườn hoa học tốt.
Bài học truyền thống thứ tư: Đoàn kết,
nhân ái, kỷ cương
Có giai đoạn lương giáo viên không đủ
sống, ăn ở phải nương tựa vào nhau qua những tháng ngày vất vã. Đ/c Đạt, đ/c
Phu phải vào rừng lấy cây mây, lấy gỗ. Đ/c Duyên ra chợ bán từng hạt dâu rừng.
Đ/c Ngọc, đ/c Trung…lặn lội đến từng cánh đồng xa, kiếm về hạt thóc. Nước mắt
đắng cay thấm trang giáo án. Khổ nhưng no đói có nhau, mưa bão có nhau. Khu nội
trú giáo viên đêm đêm đầy ắp tiếng cười, tiếng hát. Các tổ chức trong nhà
trường đoàn kết dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng. Nhờ vậy mà sức mạnh của đôị
ngũ được nhân lên gấp bội, giúp trường vượt lên chính mình thành một đơn vị
tiên tiến xuất sắc liên tục nhiều năm qua. Cùng với đoàn kết, trường xây dựng
một không khí nhân ái, cởi mở, chân tình. Hoạn nạn xẽ chia, niềm vui xẽ chia,
mỗi ngày đến trường thêm một động lực mới. Nhân ái với đồng nghiệp, nhân ái với
học sinh nhờ thế mà nhiều giáo viên được các em tín nhiệm rất cao như thầy Đạt,
thầy Tậu…Hình ảnh người thầy vẫn da diết trong tim lớp lớp học trò, dù ở đâu và
dù mái đầu tóc bạc. Nhân ái là đạo lý. Nhưng đạo lý không thay được pháp lý.
Muốn có pháp lý, nhà trường đã đi đầu trong thi đua thiết lập kỷ cương trường
học. Từ các văn bản có tính pháp quy, trường đã vận dụng để đề ra những quy chế
nội bộ cụ thể, sát thực, ràng buộc các thành viên sống và làm việc theo chức
trách của người viên chức. Trường đã thành khuôn phép để luyện thầy và rèn trò.
Thầy giỏi, trò giỏi, thiên chức đó của nhà trường, trước hết nhờ xây dựng kỷ
cương.
Năm 2009, đánh dấu móc son trong quá trình phát triển
nhà trường. Nó khép lại 60 năm gian khó mà trưởng thành, đồng thời mở ra một
chặng đường phấn đấu mới. Đó sẽ là chặng đường đầy cam go và thử thách. Bởi vì
so lại mình, chúng ta thấy bên cạnh thành tích, trường còn tồn tại, phiếm
khuyết. Học sinh chưa thật chăm học. Chất lượng giáo dục toàn diện còn hạn chế,
trong đó chất lượng văn hoá chưa ổn định. Một số chuẩn của trường chuẩn quốc
gia đang có nguy cơ giảm. Cùng với cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm
gương đạo đức Hồ Chí Minh ” cuộc vận động “ Hai không; chủ đề năm học “ Đẩy
mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới quản lý tài chính và xây dựng trường
học thân thiện, học sinh tích cực ” đang đề ra những yêu cầu cao hơn cho cả hai
chủ thể. Truyền thống chỉ là hào quang khi ta biết tiếp tục phát sang nó. Do
vậy đòi hỏi thầy và trò phải dạy thật sự và học thật sự để trường tiếp tục là
đơn vị xuất sắc. Trang mới của biên niên sử nhà trường, nhất định sẽ được ghi
them những chương tốt đẹp.
Trong giờ phút trang trọng này, xin
được nghiêng mình trước anh linh thầy Mai Xuân Lịnh, thầy Nguyễn Xuân Bàng,
thầy Nguyễn Thế Hiệu cùng các thầy giáo và học sinh cũ của trường đã mất. Thời
gian có phôi phai, nhưng chân dung của họ vẫn như ngọn nến lung linh trong tâm
khảm của đồng nghiệp và đồng môn.
Xin có lời chúc xúc động trước sự hiện
diện của các thế hệ giáo viên và học sinh, gặp lại nhau tay bắt, mặt mừng, nước
mắt chan trong nụ cười, lòng thổn thức thương về một thời thầy xưa, bạn cũ.
Xin có lời cảm ơn nồng nhiệt đến Đảng
bộ và chính quyền các cấp, đến Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình, đến Công ty
cao su Lệ Ninh, đến các bậc phụ huynh và các trường bạn, trong thời gian qua đã
lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ nhiều mặt để trường có một diện mạo như ngày hôm nay.
60 năm, trường Hoàng Hoa Thám như một
chiếc nôi, chiếc nôi đung đưa trong yêu của Đảng, trong lời ru của lòng dân, đã
bồi dưỡng trí tuệ, nuôi dưỡng tâm hồn cho lớp lớp học sinh trưởng thành cùng
đất nước
Hảy xứng đáng với mái trường mang tên
người sỹ phu yêu nước. Xốc lại hành trang, thầy và trò đồng sức, đồng lòng, đi
lên phía trước.
60 năm, mới là chặng khởi đầu.
Tháng 01 năm 2009